Từ một công nhân có thu nhập ổn định, chị Trần Thị Huyền (trong ảnh) ở ấp Xuân Thới Đông 2, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn đã bỏ ngang, trở lại công việc làm nông và đã trở thành nông dân sản xuất giỏi của xã khi dám đầu tư vào sản xuất với tất cả niềm đam mê và sự chịu khó của mình.
Như nhiều phụ nữ cùng địa phương, ban đầu chị Trần Thị Huyền (sinh năm 1974) cũng đã chọn làm công nhân để trang trải cuộc sống gia đình. Tuy vậy, chị vẫn luôn nung nấu suy nghĩ: Sao không tận dụng diện tích đất quanh nhà để sản xuất và làm chủ bản thân, không lệ thuộc ai?


Năm 2008, chị Huyền xin nghỉ việc ở công ty và bắt đầu nuôi bò thịt. Công việc mới giúp cuộc sống ổn định hơn nhưng vẫn chưa làm chị hài lòng. Khi ấy, chị Huyền có vườn lan nhỏ trước sân nhà nhưng chỉ là trồng làm kiểng, chứ chưa nghĩ sẽ trồng lan để kiếm thêm thu nhập. Đến khi chị biết ở Củ Chi đang phát triển nghề trồng lan giúp người dân có thu nhập rất khá thì ý tưởng đầu tư trồng lan bắt đầu xuất hiện. Đây là nghề mới, chưa có nhiều người đầu tư sản xuất. Với tính ham học hỏi, chị Huyền đã quyết tâm đầu tư vào trồng lan. Quyết định của chị khiến gia đình lo lắng hơn là ủng hộ. “Khi nghe tôi đầu tư vào trồng lan, ba mẹ tôi không đồng tình. Nhưng vì hiểu tính con nói là làm cho nên ông bà cũng đành phải chấp nhận”, chị Huyền tâm sự. Tag: phòng bệnh trên tôm thẻ

Chị Huyền bắt đầu đi học nghề, tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng lan ở những người đã có kinh nghiệm để xem nên trồng giống lan gì cho phù hợp. Ban đầu chị trồng thử với 70 m2 gồm 200 gốc lan Mokara và 100 gốc lan Dendro. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm, hai năm đầu chị Huyền chưa thu nhập được gì vì lan chưa ra hoa như ý muốn. Chị lại tiếp tục đi học hỏi thêm kinh nghiệm ở các nhà vườn trồng lan trên huyện Củ Chi.

Thấy vất vả mà chưa đạt kết quả, gia đình khuyên chị Huyền nên dừng lại, tập trung nuôi bò cho ổn định, nhưng chị vẫn quyết tâm theo nghề trồng lan đến cùng. Ngày này qua ngày khác, chị Huyền đạp xe lên Củ Chi để học các chủ vườn lan cách chăm sóc và cho lan ra hoa như thế nào là đạt. Dần dần, với kinh nghiệm tích lũy được, chị Huyền cũng đã gặt hái thành công. “Đến năm thứ ba, tôi mới bắt đầu có kinh nghiệm để cho hoa ra bông đều theo ý muốn của mình. Lúc đó mới bắt đầu có thu nhập từ trồng lan”, chị Huyền nhớ lại. Tag: nuôi tôm biofloc

Chị Huyền tham gia Hội Nông dân ấp Xuân Thới Đông 2, có điều kiện tham dự các lớp tập huấn trồng lan do hội tổ chức, được hỗ trợ vốn và cây giống để phát triển thêm vườn lan. Diện tích trồng lan của chị Trần Thị Huyền tăng dần theo từng năm, đến giờ là 1.000 m2 với hai giống lan chính là Mokara và Dendro. Mỗi tuần chị cắt lan một lần và bỏ mối chính cho các gia đình và trường học. Chị Huyền còn bán cây giống và chậu lan cho những người có nhu cầu. Mỗi tháng, bình quân chị Huyền thu nhập từ lan khoảng 10 triệu đồng, vào dịp lễ, Tết, chị có thể kiếm vài chục triệu đồng từ bán lan.

Khi đã ổn định với nghề trồng lan, chị Huyền nghĩ đến việc giúp đỡ các hộ nông dân còn khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Chị đã cho nhiều hộ nông dân vay vốn không tính lãi, cung cấp cây giống cũng như sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho các hội viên nông dân có nhu cầu trồng lan. Là Phó Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Xuân Thới Đông 2, chị Huyền đã góp phần đẩy mạnh phong trào hoạt động của hội, không chỉ giúp nhiều hội viên có điều kiện thoát nghèo mà còn chăm lo cho con em có điều kiện học tập tốt hơn. Chính sự nhiệt tình, hết lòng vì phong trào Hội Nông dân, vì bà con địa phương, năm 2016, chị Trần Thị Huyền đã vinh dự được kết nạp Đảng và nhiều năm liền được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi của xã Xuân Thới Đông.

Năm 2017, chị Trần Thị Huyền có thêm niềm vui mới khi được chọn là một trong 73 gương cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp thành phố.

Nguồn: nhandan.com.vn/tphcm/item/37334502-nguoi-phu-nu-quyet-tam-lam-giau.html