Mang thai tháng thứ 2 hầu hết các mẹ đã chắc chắn về sự hiện diện của thiên thần nhỏ. Những lưu ý khi mang thai quan trọng sau đây sẽ giúp các mẹ vượt qua tháng thứ 2 một cách nhẹ nhàng nhất.

Có nên quan hệ khi mang thai tháng thứ 2 hay không?

Quan hệ khi mang thai tháng thứ 2 có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Đây là câu hỏi được hàng nghìn người mẹ quan tâm trong giai đoạn bầu bí.

Sự hình thành của nước ối, cùng nhiều lớp cơ tử cung tạo thành tấm đệm vững chắc để bảo vệ thai nhi khỏi những tác động bên ngoài, bao gồm cả trường hợp âm đạo có sự tác động từ “cậu nhỏ” khi quan hệ vợ chồng.

Chính vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa sản khẳng định, nếu thai kỳ khỏe mạnh bình thường thì việc quan hệ khi mang thai tháng thứ 2 luôn an toàn và không gây tổn thương tới thai nhi.

Quan hệ khi mang thai sẽ đem đến một số ích lợi rất rõ nét cho sức khỏe của mẹ bầu, đó là tăng ham muốn, tăng mức độ nhạy cảm, tăng hưng phấn… một cách bất ngờ. Đa số, phụ nữ khi mang thai có sự thay đổi nội tiết làm gia tăng ham muốn, khiến cho cuộc “yêu” trở nên mãnh liệt, thú vị hơn và dễ đạt cực khoái hơn.


Làm đẹp khi mang thai tháng thứ 2

Sơn móng tay cần hạn chế. Nghiên cứu cho thấy trong sơn móng tay có hợp chất phthalates làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của thai nhi.

Nếu có ý định nhuộm tóc, bạn nên trì hoãn đến tam cá nguyệt thứ 2, khi thai nhi đã ổn định và ít bị môi trường tác động hơn.

Bạn vẫn có thể sử dụng mỹ phẩm, miễn chúng không chứa thành phần độc hại hay hóa chất có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trong thời gian mang thai, sự thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng rất lớn đến làn da mẹ bầu nên càng cần được chăm sóc nhiều hơn.


Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 2

Ốm nghén là mối lo của rất nhiều mẹ trong giai đoạn này. Và có thể, bạn sẽ phải “sống chung với lũ” cho đến hết tháng thứ 3. Tăng cường bổ sung vitamin B6 và B12 vừa hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi trong tháng thứ 2, vừa giúp ngăn ngừa ốm nghén hiệu quả. Song song đó, mẹ bầu cũng nên kết thân với gừng, trà gừng. Đừng quên “ăn dặm” một ít bánh quy mỗi sáng thức giấc, cách này cũng rất hiệu quả.

Chất lượng thực phẩm là điều mẹ bầu cần quan tâm lúc này, không phải số lượng. Bạn có thể không cần ăn quá nhiều, nhưng phải đảm bảo ăn đủ chất. Thử bất cứ thứ gì bạn có thể, miễn sao đủ nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày.

Nếu không nuốt nổi rau chân vịt, bạn có thể thay bằng bông cải xanh với hàm lượng a-xít folic tương đương. Sữa chua và phô mai có lượng can-xi và vitamin D cũng gần bằng nhau. Hàm lượng protein trong sữa đậu nành thậm chí tốt hơn protein trong sữa bò.

Với những kiến thức chia sẻ trên đây, hy vọng các mẹ sẽ có thai kỳ khỏe mạnh!!!